Đăng nhập
Bạn muốn tạo chứng cứ pháp lý trong giao dịch và các quan hệ pháp luật?               Bạn thắng kiện trong một vụ án và muốn Thừa phát lại trực tiếp thi hành?      Bạn gặp vấn đề vì không chứng minh được bên phải thi hành án tài sản để thi hành án?                Hoặc bạn có thắc mắc gì về pháp luật?      Liên hệ số 01234 112 115  hoặc  0906 311 132 để được hỗ trợ ngay!

Đánh giá website của tôi
Rất hữu ích
Bình thường
Nội dung kém
Không có bình luận


(Đức Hoài)- Khi tôi đến tống đạt văn bản cho người dân hay liên hệ với các cơ quan; mọi người vừa nghe đến từ tống đạt hay biên bản tống đạt là liên tưởng đến một điều gì đó to tát

Mỗi khi tôi giới thiệu mình làm ở Văn phòng Thừa phát lại hoặc giới thiệu bạn bè đến trang tuyên truyền Thừa phát lại, hầu như tất cả mọi người đều hỏi tôi Thừa phát lại là gì? Tôi đã từng viết một bài viết liên quan đến vấn đề này nhưng dường như nó hơi ngắn gọn. Thế nên, hôm nay tôi viết bài này nói về chế định Thừa phát lại một cách chi tiết, gần gũi và dễ hiểu cho mọi người. Hy vọng, sau khi đọc bài viết này mọi người sẽ có những ý niệm cơ bản nhất về chế định Thừa phát lại.

Thừa phát lại là một chức danh tư pháp và là tên gọi của một nghề luật như nghề Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Công chứng viên… Thừa phát lại hành nghề nhân danh tổ chức của mình dưới hình thức pháp lý là doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh. Tuy nhiên, tên gọi của nó luôn luôn là Văn phòng Thừa phát lại + tên đơn vị hành chính cấp huyện nơi văn phòng đặt trụ sở:

Ví dụ, Văn phòng Thừa phát lại Quận Bình Thạnh, Văn phòng Thừa phát lại Quận 10…

Cũng như các nghề luật khác thì nhà nước cũng quy định những công việc cụ thể mà Thừa phát lại được thực hiện. Bốn công việc mà Thừa phát lại được phép thực hiện bao gồm:

- Thi hành án;

- Xác minh điều kiện thi hành án;

- Lập vi bằng

- Tống đạt văn bản, giấy tờ của Tòa án và cơ quan thi hành án.

Chắc hẳn đọc đến đây, mọi người vẫn còn mơ hồ về chế định Thừa phát lại. Tôi sẽ đi sâu giải thích các công việc này ngay sau đây để mọi người hiểu rõ hơn.

1.      Công việc thi hành án và xác minh điều kiện thi hành án:

Công việc Thi hành án và công việc Xác minh điều kiện thi hành án làm cho Thừa phát lại có chức năng như một cơ quan thi hành án dân sự tư nhân tức đối lập với cơ quan thi hành án dân sự công (Cục thi hành án dân sự/Chi cục thi hành án dân sự).

Hình 1. Thừa  phát lại Q.Bình Thạnh đang tổ chức thi hành án

(Ảnh Pháp luật TP)

Khi bạn và một người khác có tranh chấp và đưa ra Tòa án giải quyết. Tòa xử bạn được thắng kiện với số tiền mà bên thua kiện phải trả cho bạn là 100 triệu. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, lẽ đương nhiên, bạn sẽ được nhận 100 triệu. Tuy nhiên, nếu bên thua kiện không chịu trả cho bạn thì làm sao?

Bạn sẽ phải gửi đơn yêu cầu thi hành án đến cơ quan thi hành án kèm theo đó là thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người thua kiện. Cơ quan thi hành án đó có thể là cơ quan thi hành án dân sự công (Cục thi hành án dân sự/ Chi cục thi hành án dân sự) hoặc cơ quan thi hành án dân sự tư (Văn phòng Thừa phát lại), sau đây tôi gọi chung là cơ quan thi hành án. Cơ quan thi hành án sẽ ra quyết định về việc thi hành án theo đơn yêu cầu để yêu cầu bên thua kiện (giai đoạn thi hành án gọi là bên phải thi hành án) thực hiện việc thanh toán 100 triệu đồng cho bên thắng kiện là bạn (giai đoạn thi hành án gọi là bên được thi hành án).

Nếu bên phải thi hành án không tự nguyện trả cho bạn 100 triệu sau 15 ngày được thông báo hợp lệ Quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu nói trên thì cơ quan thi hành án sẽ làm các thủ tục cưỡng chế, kê biên và bán đấu giá tài sản mà bên phải thi hành án sở hữu để làm đảm bảo trả đủ số tiền 100 triệu cho bạn. Tài sản này đã được xác định trong kết quả xác minh điều kiện thi hành án. Đây là toàn bộ quá trình thi hành một quyết định, bản án dân sự cơ bản. Văn phòng Thừa phát lại khi tổ chức thi hành án theo yêu cầu của bạn cũng tuân theo quy trình trên. Tới đây, chắc bạn cũng đã có những hiểu biết cơ bản về công việc thi hành án của Văn phòng Thừa phát lại.

Tiếp theo, tôi sẽ nói đến công việc xác minh điều kiện thi hành án của Văn phòng Thừa phát lại. Như ở trên đã nói, khi bạn đem bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật đến yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự (cơ quan thi hành án công/ cơ quan thi hành án tư-VP Thừa phát lại) tổ chức thi hành cho bạn thì bạn phải cung cấp thông tin về việc bên thua kiện có đủ điều kiện để thi hành án cho bạn.

Hình 2. Tư vấn xác minh điều kiện thi hành án tại VP Thừa phát lại Q.Bình Thạnh

(Ảnh Pháp luật TP)

Luật quy định bạn có trách nhiệm xác minh thông tin tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người thua kiện. Khi bạn đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều trên thì có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án xác minh. Quy định như vậy nhằm mục đích để bạn chia sẻ một phần gánh nặng công việc cho cơ quan thi hành án. Tuy nhiên, việc tự mình đi xác minh như trên đối với người dân bình thường nói chung và đối với bạn nói riêng là điều không phải dễ dàng. Nguyên nhân vì sao thì chắc bạn cũng hiểu được một phần. Về phía bạn, việc được giao nhiệm vụ tự mình đi xác minh trong khi không có một nền tảng kiến thức pháp lý là một điều khó khăn. Còn về phía các cơ quan nắm giữ thông tin (văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, điểm đăng ký xe của phòng cảnh sát giao thông, ngân hàng…), tuy luật quy định họ phải cung cấp thông tin cho bạn khi bạn đến xác minh nhưng luật cũng cho phép họ từ chối cung cấp nhưng phải nêu lý do. Chính vì lẽ đó, việc xác minh của bạn thường không có kết quả hoặc nếu có thì cũng mất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức.

Văn phòng Thừa phát lại tập hợp đội ngũ Thừa phát lại có chuyên môn và kinh nghiệm pháp lý, được pháp luật cho phép thực hiện công việc xác minh điều kiện thi hành án. Pháp luật cũng quy định các cơ quan có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm hỗ trợ Thừa phát lại Việc xác minh điều kiện thi hành án. Do đó, nếu bạn không có điều kiện để tự mình đi xác minh, bạn có thể đến Văn phòng Thừa phát lại để được hỗ trợ và ký hợp đồng dịch vụ pháp lý yêu cầu Thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án cho bạn.

Kết quả xác minh là một văn bản trả lời của cơ quan quản lý thông tin chủ sở hữu của đối tượng xác minh. Kết quả xác minh đó được cơ quan thi hành án (cơ quan thi hành án công/cơ quan thi hành án tư- VP Thừa phát lại) sử dụng để thi hành án. Dưới đây là ví dụ về một số loại tài sản và cơ quan quản lý thông tin chủ sở hữu thường hay liên quan đến hoạt động xác minh điều kiện thi hành án:

Bạn thấy bên thua kiện đang ở trong một căn nhà, đi lại bằng một chiếc xe ô tô 7 chỗ và thường giao dịch qua ngân hàng Cổ phần  Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Bạn đến ký hợp đồng yêu cầu VP Thừa phát lại xác minh thông tin liên quan đến nhà đất, chiếc ô tô và xác minh bên thua kiện có tài khoản dương ở ngân hàng Vietcombank hay không? Các cơ quan mà Thừa phát lại đến để yêu cầu hỗ trợ xác minh lần lượt là: Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện hoặc cơ quan thuế nơi có nhà đất; Phòng cảnh sát giao thông hoặc cơ quan thuế nơi đăng ký xe; Ngân hàng Vietcombank.

Trên đây, tôi đã nói qua cho bạn về công việc thi hành án và công việc xác minh điều kiện thi hành án.

2.      Công việc lập vi bằng:

Vi bằng là một tài liệu bằng văn bản có hình ảnh, video, âm thanh kèm theo (nếu cần thiết). Trong tài liệu đó, Thừa phát lại sẽ mô tả, ghi nhận lại hành vi, sự kiện lập vi bằng  mà đích thân Thừa phát lại chứng kiến một cách trung thực, khách quan. Tài liệu này có giá trị chứng cứ trước Tòa án nếu các bên có phát sinh tranh chấp liên quan đến sự kiện, hành vi lập vi bằng.

Bạn hãy tưởng tượng mình là một người chứng kiến việc một người cầm dao đâm chết người khác. Trong phiên xử hình sự, Tòa án kêu bạn ra làm chứng. Bạn sẽ mô tả lại những việc mà bạn chứng kiến có thể bằng lời nói hoặc bằng văn bản. Tuy nhiên, lời chứng của bạn có là sự thật hay không thì Tòa án, Cơ quan điều tra còn phải xác minh, điều tra lại. Còn Thừa phát lại khi lập vi bằng về hành vi, sự kiện thì có mô tả, quay phim, chụp hình và ghi âm (nếu cần thiết). Vi bằng đó phải được đăng ký tại Sở tư pháp trong vòng 3 ngày kể từ ngày lập. Chính những yếu tố đó là ưu điểm tăng chứng cho vi bằng và luật quy định bản thân vi bằng có giá trị chứng cứ.

Hiện nay, có hai loại vi bằng cơ bản mà các Văn phòng Thừa phát lại lập đó là: Vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi và Vi bằng ghi nhận hiện trạng. Dưới đây là 2 ví dụ về 2 loại vi bằng trên:

Ví dụ về vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi. Hiện nay, pháp luật không quy định giao dịch đặt cọc phải thực hiện thủ tục công chứng. Bạn muốn đặt cọc 100 triệu cho ông A để đảm bảo việc 2 bên giao kết hợp đồng mua bán căn nhà mà ông A đang ở. Bạn sợ với số tiền lớn như vậy mà việc đặt cọc chỉ có 2 bên sẽ có rủi ro pháp lý về sau? Bạn có thể đến VP Thừa phát lại để được tư vấn về việc lập vi bằng liên quan đến hành vi 2 bên ký tên vào hợp đồng đặt cọc và hành vi giao nhận tiền đặt cọc giữa 2 bên. Vi bằng này được đăng ký tại Sở tư pháp trong vòng 3 ngày kể từ ngày lập.

Hình 3. Thừa phát lại Q.Bình Thạnh đang lập vi bằng

(Ảnh Pháp luật TP)

Ví dụ về vi bằng ghi nhận hiện trạng. Bạn có 1 căn nhà nhưng không có nhu cầu ở. Bạn muốn cho công ty A thuê để kinh doanh nhưng bạn và công ty A đều không muốn sau khi chấm dứt hợp đồng, các bên lại có tranh chấp về các vật dụng trong căn nhà trên cũng như hiện trạng căn nhà? Bạn có thể đến Văn phòng Thừa phát lại để được tư vấn về việc lập vi bằng ghi nhận hiện trạng căn nhà trên trước thời điểm công ty A dọn vào làm việc. Vi bằng này được đăng ký tại Sở tư pháp trong vòng 3 ngày kể từ ngày lập. Nếu sau này có phát sinh tranh chấp như tôi nói ở trên, Vi bằng này sẽ được sử dụng làm chứng cứ giải quyết tranh chấp.

Xem thêm: Các trường hợp mà Thừa phát lại thường lập vi bằng 

3.      Công việc tống đạt:

Thừa phát lại đi tống đạt văn bản của Tòa án và Cơ quan thi hành án dân sự công là thực hiện đúng chủ trương cải cách tư pháp của Quốc hội. Theo đó, các thư ký Tòa án, thư ký Cơ quan thi hành án dân sự công sẽ có nhiều thời gian hơn để tập trung học hỏi cho công việc nghiệp vụ ở cơ quan. Điều này cũng đáp ứng được kỳ vọng của các bên liên quan về công tác tống đạt văn bản như tôi đã nêu ở bài viết trước.

Khi tôi đến tống đạt văn bản cho người dân hay liên hệ với các cơ quan; mọi người vừa nghe đến từ tống đạt hay biên bản tống đạt là liên tưởng đến một điều gì đó to tát. Có người thì có tâm lý e ngại, có người thì không hiểu. Vậy tống đạt là gì?

Tống đạt là việc thông báo, giao nhận các văn bản của Tòa án và Cơ quan thi hành án dân sự do Thừa phát lai thực hiện”- Đây là nguyên văn khoản 3 Điều 2 trích tại Nghị định 61/2009/NĐ-CP về thí điểm chế định Thừa phát lại.

Hình 4. Thư ký nghiệp vụ VP Thừa phát lại Q.Bình Thạnh đang niêm yết văn bản tại UBND

(Ảnh Pháp luật TP)

Hiểu nôm na, công việc tống đạt văn bản của Thừa phát lại là việc nhận văn bản từ Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự để đến giao cho đương sự. Đọc đến đây, có người nghĩ ngay rằng Thừa phát lại đi tống đạt văn bản như một người bưu tá đưa thư cho 2 cơ quan trên !?

Cách hiểu trên liệu có đúng? Câu hỏi đó tôi để cho bạn tự trả lời sau. Tuy nhiên, tôi muốn giải thích rõ hơn cho bạn về công việc tống đạt. Công việc tống đạt của Thừa phát lại được thực hiện theo những trình tự, thủ tục chặt chẽ do pháp luật quy định, cụ thể: Pháp luật tố tụng dân sự, pháp luật tố tụng hình sự, pháp luật tố tụng hành chính; pháp luật thi hành án dân sự… Pháp luật quy định cơ quan công an, ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm hỗ trợ Thừa phát lại trong việc tống đạt văn bản. Ví dụ, cơ quan công an thì hỗ trợ việc xác minh nơi cư trú, nhân thân của đương sự, Ủy ban nhân dân thì hỗ trợ việc niêm yết văn bản, đi theo Thừa phát lại để chứng kiến việc tống đạt. Mỗi hành vi tống đạt, mỗi biên bản tống đạt của Thừa phát lại đều kéo theo những hệ quả pháp lý mà nếu việc tống đạt đó sai thủ tục thì sẽ tạo ra hậu quả pháp lý hết sức nghiêm trọng.

Ví dụ, luật quy định khi đến tống đạt văn bản của Tòa án cho đương sự trong một vụ án dân sự mà đương sự đó vắng mặt thì phải giao văn bản cho những người thân thích, đủ năng lực hành vi dân sự và cùng cư trú tại địa chỉ với người được tống đạt. Tuy nhiên, Thừa phát lại đi tống đạt lại giao văn bản cho người con của đương sự mới 13 tuổi; hoặc giao cho bố của đương sự nhưng người bố cư trú một căn nhà khác, cách xa nhà người con. Cả hai trường hợp nêu trên đều là tống đạt sai thủ tục và bản án, quyết định của Hội đồng xét xử phải bị hủy vì có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Xem thêm: Tống đạt sai nguyên tắc, phải hủy án

Lời kết: Thừa phát lại là một nghề luật mới ở Việt Nam và đang ở trong giai đoạn thí điểm. Thế nên, việc nhiều người chưa biết đến hoặc ít được biết đến hoạt động Thừa phát lại là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, với những đóng góp ngày càng lớn cho hoạt động tư pháp, trong tương lai, khả năng mô hình Thừa phát lại được nhân rộng và áp dụng chính thức, thống nhất trên cả nước là rất cao. Lúc đó, Thừa phát lại thực sự là người hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy cho người dân.

Khi cần được hỗ trợ, vui lòng gọi: 0906.311.132

hoặc đặt câu hỏi tại https://www.facebook.com/vanphongthuaphatlai

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
Tự tạo website với Webmienphi.vn