(Đức Hoài)-Phát tờ rơi là một phương thức tiếp thị sản phẩm với chi phí rẻ nhất trong hoạt động kinh tế-thương mại. Nếu như nhằm mục đích chính trị, xã hội thì phát tờ rơi được xem như một kênh tuyên truyền, vận động khá là hữu ích.
Ở đây, Hoài tôi xin chia sẻ quan điểm của mình về công việc của người phát tờ rơi tại các chốt đèn giao thông như một hình thức tiếp thị trong hoạt động kinh tế-thương mại.
Có thể nói rằng ở Sài Gòn và các thành phố phát triển khác thì hình thức phát tờ rơi tiếp thị sản phẩm, dịch vụ rất là phổ biển bởi chi phí rẻ và dễ thực hiện. Lực lượng để phát tờ rơi chủ yếu là học sinh, sinh viên và người lao động nghèo. Nói chi phí thấp là không sai bởi không biết các tổ chức, cá nhân có nhu cầu quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình hợp đồng với các đối tác nhận thầu phát tờ rơi với giá cả như thế nào nhưng khoảng 120.000 đồng đến 150.000 là tiền công mà người trực tiếp phát tờ rơi nhận được cho 1 ngày hít khói xe, bụi bặm và nắng nôi ở các chốt đèn giao thông. Nếu như làm 1 buổi thì số tiền đó ít hơn rất nhiều, dao động khoảng 50.000đồng/ngày đến 70.000 đồng/ngày.
Dưới góc độ truyền thông quảng cáo cũng được xem là 1 hoạt động PR nhưng mà là PR rẻ tiền. Công việc này nhìn qua thấy có vẻ dễ bởi vì tuy là lao động chân tay nhưng mà lao động chân tay nhẹ nhàng. Tuy nhiên, nếu những ai đã từng đi phát tờ rơi hoặc một lần bình tâm mà suy nghĩ kỹ thì mới biết rằng công việc này không dễ "xơi". Bởi lẽ, công việc này ngoài việc bị khống chế thời gian làm việc thì còn bị sức ép về số lượng sản phẩm "tiêu thụ" được tức số tờ rơi đã phát. Tức rằng, dù thời gian làm việc đã hết nhưng mà người phát tờ rơi chưa phát hết số lượng được giao như thoả thuận thì có khả năng bị trừ tiền, phát cho 1 người mà nhiều tờ rơi cùng lúc cũng bị nhắc nhở.
Tuy nhiên, số lượng tờ rơi phát được bên cạnh sự chăm chỉ của người phát tờ rơi thì còn phụ thuộc vào đối tượng nhận tờ rơi. Vì sao? Nếu người đi đường mà không nhận tờ rơi thì người phát tờ rơi cũng không thể phát được và họ cũng không thể vứt đi đâu được cho hết số tờ rơi đó (nếu trái quy định này sẽ bị trừ tiền).
Tôi từng chứng kiến rất nhiều lần cảnh một người phát tờ rơi mồ hôi nhễ nhại đưa tờ rơi cho người đi đường nhưng người này không xua tay, lắc đầu không lấy. Nhiều trường hợp còn tỏ ra “bất hợp tác”, không thèm tỏ thái độ hay có bất kỳ động tác gì có người phát tờ rơi cho mình. Thế mới biết công việc phát tờ rơi khổ ải và bèo bọt như thế nào và tại sao người phát tờ rơi thường mang khẩu trang che mặt khi làm việc? Mỗi tờ rơi được người phát tờ rơi phát ra mang về cho người đó không đến 50 đồng tiền công. Mỗi người đi đường có mất gì đâu khi nhận một tờ rơi như vậy, có chăng chỉ mất thời gian vứt bỏ nó vào thùng rác.
Gần đây, nhiều người lên án và gọi hoạt động tờ rơi là một hoạt động lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường. Họ vẫn gọi nó bằng một số câu khó nghe đại loại như “tờ rơi hay tờ rác”…Nhưng mặc kệ, cái đó thì để cho các cơ quan có thẩm quyền làm việc. Và ngày nào phát tờ rơi ở các chốt giao thông còn chưa bị cấm thì ngày đó, nó vẫn là công việc “chữa cháy” cho rất nhiều người có thu nhập thấp hoặc không có thu nhập. Vậy nên, khi tham gia giao thông mà có người phát tờ rơi cho mình thì làm ơn hãy nhận nó và để nó và túi xách hoặc kẹp vào xe để khi đến cơ quan hay về nhà thì để nó vào thùng rác mà không cần xem nội dung cũng được.
Đức Hoài
Người gửi / điện thoại